Ban Chỉ đạo hiện do ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và có 02 Phó Trưởng ban, 18 thành viên và 04 thành viên khách mời. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm trên nguyên tắc tập trung thống nhất, đề cao trách nhiệm cá nhân và lãnh đạo Ban Chỉ đạo quyết định các vấn đề thông qua các hình thức tổ chức họp Ban Chỉ đạo hoặc lấy ý kiến và báo cáo bằng văn bản.
Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về quản lý nghề cá và các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền chủ động tích cực về Luật Thủy sản 2017, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017; các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác chống khai thác IUU trên báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở tại các địa bàn trọng điểm nghề cá.
Theo Quy chế hoạt động này, Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những công việc trọng tâm, phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngăn chặn và chấm dứt tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan và theo thông lệ quốc tế, các Công ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, phù hợp với quy định của các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế về chống khai thác IUU.
Ban Chỉ đạo sẽ ban hành các Chương trình, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo (theo định kỳ hàng năm và đột xuất). Trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền Phó Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền giải quyết các vấn đề của Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về phần việc được phân công hoặc ủy quyền, các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Trưởng Ban, được sử dụng kinh phí, bộ máy tổ chức của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Những cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ không đạt yêu cầu phải kiểm điểm, đánh giá làm rõ trách nhiệm những cán bộ có liên quan và người đứng đầu; các sở, ban ngành và địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động báo cáo, đề xuất, kiến nghị Trưởng Ban hoặc báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo Ban Chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Ban Chỉ đạo công tác.
Định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm và đột xuất hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các thành viên có trách nhiệm báo cáo hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, chuẩn bị nội dung tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời gửi Thủ trưởng cơ quan nơi thành viên Ban Chỉ đạo công tác để báo cáo, gồm: Thông tin đột xuất gửi ngay khi có thông tin; Thông tin hàng tuần gửi vào lúc 13 giờ thứ 5 hàng tuần; Thông tin hàng tháng gửi vào ngày 20 hàng tháng; Thông tin hàng quý gửi vào ngày 20 tháng cuối quý (tháng 3, 6, 9); Thông tin hàng năm gửi vào ngày 20 tháng 12 hàng năm.
Ngoài ra, hàng tháng, quý, sáu tháng, một năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo IUU tỉnh để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU về tình hình và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo IUU tỉnh trên cơ sở tổng hợp báo cáo thực hiện các nhiệm vụ được giao của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Quy chế này cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các thành viên; đồng thời phân công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh) chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các Sở, ban ngành và địa phương; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế để tổng hợp, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.
Phối hợp tuyên truyền phòng, chống IUU
Xã Lộc An, Huyện Đất Đỏ hiện có 278 phương tiện ghe thuyền khai thác thủy sản các loại, sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.950 tấn. Về cơ cấu tàu, thuyền: thuyền thúng có chiều dài dưới 6m là 23 chiếc; ghe thuyền có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 137 chiếc; từ 12m đến dưới 15m là 70 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 48 chiếc. Trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Khai thác thủy sản gồm 25 thành viên. Đã triển khai tuyên truyền Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Theo đó, thực hiện tuyên truyền những quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)
Ngoài ra, Công đoàn cơ sở đã phối hợp lãnh đạo xã gặp gỡ, đối thoại 48 chủ phương tiện ghe thuyền có chiều dài trên 15m đánh bắt hải sản tuyến khơi xa bờ, đa số ghe thuyền này hoạt động các nghề: lưới rê, lưới kéo, rập ốc, bẫy mực, xỏng… Tuyên truyền, vận động các chủ ghe thuyền khai thác xa bờ, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát ghe thuyền đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó có một số ghe thuyền hành nghề rập ốc, bẫy mực, xỏng… nhưng vẫn có chiều dài trên 15m, lâu nay, các ghe thuyền này chỉ khai thác, đánh bắt ở vùng lộng. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì tất cả các ghe trên 15m buộc phải khai thác vùng khơi. Nếu bà con ngư dân khi thực hiện đánh bắt trên biển không thực hiện đúng theo quy định sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí trường hợp vi phạm nhiều lần sẽ bị tước giấy phép.
Tại buổi đối thoại, một số ngư dân chia sẻ, các nghề bà con đang làm chỉ có ở vùng lộng, nếu đánh bắt ở vùng khơi theo quy định mới sẽ không đạt sản lượng. Tuy ghe thuyền của bà con dài trên 15m nhưng chiều rộng, chiều cao và công suất máy không đảm bảo an toàn cho phương tiện và ngư dân đi đánh bắt vùng khơi do điều kiện sóng gió. Hiện, đa số các ghe thuyền này đều nằm bờ, không thể vươn khơi. Từ thực tế này, ngư dân xã Lộc An đề nghị chính quyền xã Lộc An đề xuất, kiến nghị các ngành chức năng xem xét, cho phép ghe thuyền ngư dân địa phương khai thác ở vùng lộng như trước đây hoặc có các chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện cải hoán ghe để đánh bắt phù hợp theo vùng khai thác. Bên cạnh đó, ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, làm việc với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá để đảm bảo chất lượng tốt, có thể kết nối liên tục theo đúng quy định; đồng thời đơn vị cung cấp cần nhanh chóng khắc phục và xử lý khi thiết bị xảy ra sự cố.
Nhờ phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân về IUU mà đến nay xã Lộc An không có trường hợp ghe thuyền nào vi phạm đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài, góp phần cùng chính quyền địa phương và ngư dân bảo vệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngọc Thúy (theo Bà Rịa – Vũng Tàu)